Ngày 17/4/2024 Bộ tài chính đã ban hành chế độ kế toán theo TT24/2024/TT-BTC thay thế cho 4 chế độ kế toán cũ là TT107/2017/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp, TT108/2018/TT-BTC về hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia, TT79/2019/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công và TT76/2019/TT-BTC hướng dẫn kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông thuỷ lợi
Sự ra đời của TT24 là tất yếu để phù hợp với pháp luật về ngân sách nhà nước; cơ chế tài chính về chế độ tự chủ tài chính, quản lý tài sản; phù hợp với hệ thống chuẩn mực kế toán công của Việt Nam và xử lý các vướng mắc tại đơn vị hành chính sự nghiệp đã và đang được tổ chức công tác kế toán tập trung, tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối kế toán
Trong bài viết này tôi sẽ tập trung đi sâu vào nội dung cơ chế quản lý tài chính nhà nước ảnh hưởng đến việc tổ chức công tác kế toán theo thông tư 24/2024/tt-btc
Mục Lục Bài Viết
1. Cơ chế quản lý tài chính của cơ quan nhà nước
Cơ quan Nhà nước là bộ phận cấu thành của bộ máy Nhà nước, là tổ chức (cá nhân) mang quyền lực Nhà nước được thành lập và có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật nhằm thực hiện nhiệm vụ và chức năng của Nhà nước. Ví dụ toà án nhân dân, uỷ ban nhân dân.
Tài chính cơ quan nhà nước có các đặc điểm chủ yếu là mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận, nguồn tài chính thực hiện các chức năng nhiệm vụ của cơ quan nhà nước do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Nguồn tài chính của cơ quan nhà nước bao gồm ba nguồn: nguồn ngân sách nhà nước cấp; nguồn thu phí được khấu trừ khoán chi phí hoạt động và các nguồn thu hợp pháp khác.
Thứ nhất: Nguồn ngân sách nhà nước cấp bao gồm kinh phí hoạt động, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và kinh phí khác. Trong đó, kinh phí hoạt động gồm kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí hoạt động không thường xuyên.
Thứ hai, nguồn thu phí được khấu trừ khoán chi phí hoạt động. Cơ quan nhà nước được giao thu phí và được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ để lại số tiền thu phí khoán chi phí hoạt động để trang trải chi phí thu phí, chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ và các nhu cầu chi khác, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.
Thứ ba, các nguồn thu hợp pháp khác theo chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí.
Nội dung sử dụng kinh phí của cơ quan nhà nước bao gồm nội dung sử dụng kinh phí quản lý hành chính thực hiện chế độ tự chủ ví dụ chi thanh toán tiền lương tiền công cho cá nhân, chi thanh toán dịch vụ công,…và nội dung sử dụng kinh phí giao nhưng không thực hiện chế độ tự chủ như chi sửa chữa lớn, chi đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức,…
Tìm hiểu thêm: “Khoá học Kế toán hành chính sự nghiệp Thông tư 24/2024/TT-BTC”
2. Cơ chế quản lý tài chính của đơn vị sự nghiệp công
Đơn vị sự nghiệp công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoạt động trong các lĩnh vực sự nghiệp, có chức năng nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công phục vụ quản lý nhà nước, hoạt động theo nguyên tắc phục vụ xã hội không vì mục đích lợi nhuận.
Phân loại đơn vị sự nghiệp công theo mức độ tự chủ gồm 4 loại hình đơn vị
Nhóm 1: đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư
Nhóm 2: Đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên
Nhóm 3: Đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo một phần chi thường xuyên
Nhóm 4: Đơn vị sự nghiệp công do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên
Đơn vị sự nghiệp công được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ để chi thường xuyên. Cơ chế tài chính cụ thể của các nhóm đơn vị sự nghiệp nêu trên được quy định cụ thể trong Nghị định 60/2021/ND-CP và Thông tư 56/2022/TT-BTC.
3. Một số thay đổi trong công tác kế toán theo TT24/2024/TT-BTC để phù hợp với cơ chế tài chính
Để phù hợp với cơ chế tài chính, thông tư 24/2024/TT-BTC sẽ điều chỉnh chủ yếu hoạt động kế toán trong đơn vị sự nghiệp công lập.
3.1 Theo dõi các khoản chi phí hoạt động theo 2 nội dung giao tự chủ và không giao tự chủ
Nếu như trước đây ở TT107/2017/TT-BTC, theo dõi các khoản chi phí hoạt động theo 2 nội dung chi thường xuyên (TK6111) và chi không thường xuyên (TK6112) thì hiện tại TT24/2024/TT-BTC theo dõi các khoản chi phí hoạt động theo 2 nội dung chi phí hoạt động không giao tự chủ (TK611) và chi phí hoạt động giao tự chủ (TK612).
Nguyên tắc của TK611- Chi phí hoạt động không giao tự chủ:
Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản chi phí phục vụ cho các hoạt động không được giao tự chủ tài chính, không được khoán chi (trừ chi phí hoạt động dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách theo hình thức giao nhiệm vụ).Đơn vị phải mở sổ kế toán để theo dõi chi tiết các khoản chi phí của hoạt động không được giao tự chủ theo yêu cầu quản lý.
Nguyên tắc của TK612- Chi phí hoạt động giao tự chủ
Tài khoản này chỉ áp dụng đối với cơ quan nhà nước và các đơn vị khác không có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; dùng để phản ánh chi phí trong kỳ của các hoạt động mà đơn vị được giao tự chủ tài chính, được khoán chi, bao gồm cả các khoản phân phối từ kinh phí tiết kiệm được cuối kỳ để chi bổ sung thu nhập, khen thưởng, phúc lợi và trích lập các quỹ có tính chất phải trả (Quỹ dự phòng ổn định thu nhập,…).
Các đơn vị sự nghiệp công lập; đơn vị khác có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ phải sử dụng các tài khoản chi phí phù hợp (tài khoản 154, 641, 642,…) mà không hạch toán chi phí vào tài khoản này.
Các khoản phân phối tiết kiệm chi từ kinh phí được giao tự chủ, được khoán chi theo cơ chế tài chính (của cơ quan nhà nước và đơn vị khác không có hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ) có bản chất là khoản phải trả thì đơn vị phải hạch toán là chi phí hoạt động tự chủ trong năm. Theo đó cuối kỳ kế toán, trên cơ sở bảng tính toán, đơn vị xác định chính xác số tiết kiệm chi trong năm và thực hiện phân phối theo quy định của cơ chế tài chính (đơn vị lập Bảng xác định chênh lệch thu, chi từ kinh phí được giao tự chủ, sổ S90-H) và thực hiện như sau:
– Đối với khoản chi bổ sung thu nhập, chi khen thưởng, chi phúc lợi (trong trường hợp đơn vị không được trích lập quỹ): Hạch toán chi phí tương ứng với số phải trả cho các đối tượng có liên quan (bút toán Nợ TK 612/Có các TK 334, 338).
– Đối với khoản phân phối vào các quỹ có tính chất phải trả theo cơ chế tài chính (như Quỹ dự phòng ổn định thu nhập, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và quỹ có tính chất phải trả khác): Hạch toán chi phí tương ứng với số được trích lập quỹ theo quy định (bút toán Nợ TK 612/Có TK 353).
Đơn vị phải mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi chi phí của hoạt động được giao tự chủ tài chính, được khoán chi trong ký theo yêu cầu quản lý.
Xem thêm: Video “Kế toán hành chính sự nghiệp Thông tư 24/2024/tt-btc : Những điểm mới và cách áp dụng”
3.2 Phản ánh doanh thu từ kinh phí ngân sách nhà nước
Nếu như trước đây ở TT107 khi đơn vị sự nghiệp rút dự toán từ nguồn giao tự chủ nhưng chưa đầy đủ hồ sơ chi phí thì phải hạch toán thông qua TK337- Tạm thu và khi đủ hồ sơ thì mới được ghi nhận doanh thu. Thì hiện tại theo TT24 đơn vị sẽ được ghi nhận doanh thu ngay khi nhận quyết định giao dự toán.Theo đó TK337- Tạm thu sẽ không xuất hiện trong TT24 mà thay vào đó là TK135- Phải thu kinh phí được cấp. Đối với kinh phí NSNN giao tự chủ cho hoạt động chung của đơn vị trong năm (trừ kinh phí đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN) bằng hình thức rút dự toán qua KBNN: Khoản kinh phí này thỏa mãn điều kiện ghi nhận doanh thu ngay nên khi nhận dự toán NSNN năm được phê duyệt, đồng thời với việc hạch toán dự toán được giao trên tài khoản ngoài bảng (Nợ TK 008), đơn vị thực hiện hạch toán doanh thu ngay tương ứng với số phải thu của NSNN (Nợ TK 135/Có TK 511). Số phải thu trên tài khoản 135 được hạch toán giảm dần khi đơn vị rút dự toán để chi tiêu, sử dụng kinh phí và phân phối chênh lệch thu, chi (tiết kiệm chi) từ dự toán được giao tự chủ trong năm.
3.3 Phản ánh khoản tạm chi
Đối với việc phản ánh các khoản tạm chi bổ sung thu nhập, trường hợp đơn vị sự nghiệp không có tồn quỹ bổ sung thu nhập chi từ dự toán ứng trước cho năm sau, các khoản tạm chi khác và việc thanh toán các khoản tạm chi, TT107 sử dụng TK137- Tạm chi. Thì sang TT24 cũng sẽ không sử dụng TK137 để phản ánh khoản tạm chi mà thay vào đó chúng ta ghi nhận luôn vào bên nợ TK334.
3.4 Việc ghi nhận giá trị còn lại của TSCĐ; giá trị nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ còn tồn kho
Việc ghi nhận giá trị còn lại của TSCĐ; giá trị nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ còn tồn kho được hình thành từ các nguồn NSNN; được tiếp nhận hoặc mua sắm bằng nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài hoặc được mua sắm bằng nguồn phí được khấu trừ để lại, TT107 phản ánh thông qua bên có TK366- các khoản nhận trước chưa ghi thu. Việc phản ánh giá trị còn lại của tài sản cố định và giá trị nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ tồn kho vào nợ phải trả là không hợp lý và vấn đề này đã được chỉnh sửa ở TT24. Theo TT24 thì khoản này sẽ theo dõi ở bên có TK421- Thặng dư (Thâm hụt) luỹ kế.
3.5 Việc hạch toán các quỹ
Việc hạch toán các quỹ cũng có sự thay đổi. Nếu như TT107, các quỹ thuộc đơn vị hạch toán trên TK431 bao gồm: Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập. Việc theo dõi như vậy chưa hợp lý vì trong đó có nhiều quỹ về bản chất là một khoản nợ phải trả. Tuy nhiên đểm này đã được điều chỉnh trong TT24. Cụ thể theo TT24, các quỹ thuộc đơn vị vẫn hạch toán trên TK431- Các quỹ của đơn vị nhưng chỉ bao gồm Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và Quỹ khác thuộc đơn vị. Các quỹ còn lại: Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập được phản ảnh trên TK353- Các quỹ phải trả, thuộc nợ phải trả theo đúng bản chất nội dung của nghiệp vụ.
Như vậy có thể thấy rằng TT24/2024/TT-BTC được ban hành là một tất yếu khách quan để phù hợp với sự thay đổi trong cơ chế quản lý tài chính của các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp. TT24 cũng đã khắc phục được rất nhiều những vướng mắc trong việc hạch toán kế toán tại đơn vị hành chính sự nghiệp so với TT107 trước đó.